
Bitcoin là gì?
Hiểu đơn giản, Bitcoin (hay gọi tắt là BTC) là đồng tiền mã hóa được sử dụng trên nền tảng blockchain Bitcoin. Người dùng không thể chạm vào hay lưu trữ Bitcoin một cách vật lý, và tất cả các giao dịch liên quan đến đồng Bitcoin đều được ghi lại trên một cuốn sổ cái công khai, phi tập trung và không thể bị sửa đổi.
Tìm hiểu thêm: Tiền mã hóa là gì? Những điều bạn cần biết về tiền mã hóa
Nhiều nhà đầu tư thấy được sự tiềm năng của Bitcoin vì đồng tiền mã hóa này đại diện cho một phương thức mới để thanh toán và giao dịch mà không phụ thuộc vào ngân hàng tập trung, chính phủ hay các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Dù vậy, ngày nay, các thành viên của cộng đồng tiền mã hóa cũng có các cuộc tranh luận về câu hỏi liệu Bitcoin thực tế có thể được dùng như một loại tiền tệ trong thanh toán hàng ngày hay không? Hay Bitcoin có thể trở thành một đơn vị lưu trữ giá trị giống vàng (hay còn có thể gọi là vàng kỹ thuật số) không?
Lịch sử của Bitcoin
Danh tính thực sự của người tạo ra Bitcoin hiện tại vẫn chưa được tiết lộ. Người này sử dụng bút danh là Satoshi Nakamoto khi công bố white paper (sách trắng – một tài liệu cung cấp thông tin về dự án) của nền tảng blockchain Bitcoin vào tháng 10/2008.
Tìm hiểu thêm: Blockchain là gì? Những điều bạn cần biết về hệ thống blockchain
Vào đầu tháng 1/2009, phần mềm dùng để tạo ra đồng tiền Bitcoin đã được ra mắt, ngay sau đó là khối đầu tiên trên hệ thống (hay còn gọi là Genesis Block) được hình thành. Người đầu tiên tham gia vào nền tảng blockchain Bitcoin là một lập trình viên có tên “Hal Finney”. Sau khi cài đặt xong những phần mềm cần thiết, ông đã chính thức tham gia vào hệ thống và chỉ vài ngày sau đó (12/1), ông đã nhận được 10 Bitcoin. Đây chính là khoản giao dịch bằng Bitcoin đầu tiên trên thị trường tiền mã hóa.
Một khoảng thời gian sau đó, Satoshi Nakamoto và một vài người khác đã tham gia đào Bitcoin trên hệ thống. Trước khi ông biến mất một cách bí ẩn, người này đã giao quyền kiểm soát dự án này cho một lập trình viên khác có tên “Gavin Andresen”.
Đặc điểm của Bitcoin
Bitcoin cũng mang những đặc điểm ưu việt của tiền mã hóa. Đó là:
- Phi tập trung: Không có bất kỳ cá nhân, nhóm hay tổ chức nào có thể kiểm soát đồng tiền mã hóa này.
- Ngang hàng: Tất cả các node trên hệ thống đều có quyền hạn như nhau và không cần đến một bên thứ ba như ngân hàng để xác nhận hay cho phép giao dịch Bitcoin.
- Không biên giới: Bitcoin có thể được chuyển tới bất cứ đâu trên thế giới, chứ không bị giới hạn chỉ trong một quốc gia như tiền pháp định.
- Tính bất biến: Các khoản giao dịch Bitcoin gần như không thể bị sửa đổi hay xáo trộn
- Tính bảo mật: Nền tảng blockchain Bitcoin áp dụng hình thức khóa kép đối với các ví Bitcoin để có thể xác minh danh tính người dùng trực tuyến (chi tiết ở phần dưới).
Bitcoin được tạo ra như thế nào?

Trong hệ thống Bitcoin, một người dùng có thể nhận được Bitcoin bằng cách sử dụng các thiết bị phần cứng đắt tiền để giải các câu đố bị mã hóa (tìm mã hash của khối dữ liệu) nhằm đưa một khối chứa dữ liệu giao dịch lên chuỗi theo cơ chế đồng thuận Proof-of-Work (PoW). Quá trình này được hiểu thông dụng là đào coin và những người thực hiện hoạt động giải mã này gọi là các thợ đào.
Việc sử dụng thuật ngữ “đào coin” để gọi tắt cho quy trình này sẽ giúp những mọi người hiểu về khái niệm này nhanh chóng hơn, nhưng điều này lại vô tình gây ra những hiểu lầm về bản chất của cả quy trình. Thực chất, đào coin chính là quá trình giải các câu mã như đã phân tích ở trên.
Sau mỗi quá trình giải mã, các thợ đào sẽ được thưởng một lượng Bitcoin mới nhất định. Và cứ mỗi 4 năm, phần thưởng dành cho hoạt động đào sẽ bị giảm một nửa để làm chậm quá trình tạo ra các Bitcoin mới. Theo như sách trắng của Bitcoin, lượng Bitcoin tối đa được tạo ra là 21 triệu, và cho đến nay, 19 triệu Bitcoin đã được đào. Theo đó, nguồn cung tối đa và hiện tại chỉ còn 2 triệu Bitcoin để khai thác là những yếu tố chính khiến giá trị của đồng này cao như thời điểm hiện tại.
Làm thế nào để sở hữu Bitcoin?
Có 2 cách để người dùng có thể mua Bitcoin. Đó là:
- Dùng tiền tệ pháp định: Người dùng có thể mua Bitcoin bằng tiền pháp định (USD, Bảng, Euro,…) qua các nền tảng giao dịch tiền mã hóa như Binance, Coinbase, Kraken,… Nều các sàn giao dịch tiền mã hóa không tích hợp ví, người dùng sẽ phải tạo ra một ví tiền kỹ thuật số để lưu trữ đồng tiền này.
- Trở thành thợ đào: Người dùng có thể sở hữu Bitcoin bằng cách mua các thiết bị chuyên để đào. Tuy nhiên, các thiết bị này sẽ rất đắt và sẽ mất khá nhiều thời gian để người dùng có thể có lãi.
Ví Bitcoin là gì?
Giống như một loại ví thông thường, ví Bitcoin là một nơi để cất giữ tài sản của người dùng (Bitcoin) nhưng ở dưới dạng kỹ thuật số. Người dùng sẽ phải ghi nhớ một chuỗi khóa riêng tư (giống như mật khẩu, có thể bao gồm một chuỗi ký tự gồm số và chữ cái) để có thể truy cập vào ví. Do loại mã này được hình thành ngẫu nhiên và không có quy luật, người dùng nên lưu chuỗi khóa này vào các phần mềm trên điện thoại, web hoặc máy tính. Hoặc để an toàn hơn, có thể ghi ra và lưu trữ vào két hoặc các địa điểm an toàn khác.
Bên cạnh đó, để mua và bán Bitcoin, người dùng cần cả khóa riêng tư (private key) và khóa công khai (public key).
- Khóa công khai là loại mã mà người dùng công khai trên hệ thống, đại diện cho địa chỉ ví của họ. Ngoài ra, người dùng có thể được sử dụng khóa công khai để mã hóa tin nhắn và kiểm tra tính hợp pháp của các chữ ký điện tử.
- Khóa riêng tư là loại mã không công khai, giúp người dùng truy cập vào ví tiền mã hóa của họ trên hệ thống. Đồng thời, khi giao dịch, người dùng sẽ sử dụng khóa riêng tư để xác thực bằng chữ ký điện tử rằng chính họ là người đã yêu cầu nhận hoặc gửi Bitcoin.
Tham gia ngay cộng đồng của Skyverse để cập nhật thông tin nhanh chóng nhất về thị trường mỗi ngày!!
————
Bạn cũng có thể theo dõi Skyverse TV – Kênh thông tin chuyên biệt về Tiền số hoá và Công nghệ Blockchain tại:
Email: contact@skyverse.tv
Youtube: https://bit.ly/YTSkyverseTV
Facebook: https://bit.ly/FBSkyverseTV
Tik Tok: https://www.tiktok.com/@skyversetv