Blockchain là gì? (P1) Những điều bạn cần biết về hệ thống Blockchain

Valentino Vu
Valentino Vu35 Bài viết

Công nghệ Blockchain đang dần trở thành xu hướng vào những năm gần đây, và trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Blockchain là gì? (P1) Những gì bạn cần biết về hệ thống Blockchain
Blockchain là gì? Những gì bạn cần biết về hệ thống Blockchain

Blockchain là gì? 

Blockchain giống như một sổ cái kỹ thuật số phân tán, giúp lưu trữ dữ liệu trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng các ký tự mã hóa để tạo thành một chuỗi (chain). Công nghệ này được điều hành và duy trì bởi một mạng lưới các máy tính khác nhau (hay còn gọi là các node), cung cấp cho các cá nhân trong hệ thống một phương thức an toàn để có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần các bên trung gian như chính phủ, ngân hàng hay các bên thứ ba khác. 

Mỗi thông tin giao dịch sẽ được xác minh một cách độc lập thông qua mạng lưới máy tính ngang hàng (P2P), được đánh dấu thời gian và được thêm vào chuỗi dữ liệu. Một khi được ghi lại, dữ liệu trên chuỗi sẽ gần như không thể bị thay đổi (trừ khi nắm giữ hơn 50% lượng máy tính trong hệ thống). 

Khác với một cơ sở dữ liệu truyền thống, blockchain đặc biệt ở chỗ là hệ thống này hoàn toàn phi tập trung. Nghĩa là, thay vì phải chịu sự kiểm soát của một máy chủ, cơ sở dữ liệu của một hệ thống blockchain có thể được lưu giữ trên tất cả các máy tính trong hệ thống đó dù ở bất cứ đâu. 

Lịch sử ra đời của công nghệ blockchain 

Vào năm 1991, ý tưởng khởi nguồn cho công nghệ blockchain bắt đầu khi các nhà nghiên cứu Stuart Haber và W. Scott Stornetta giới thiệu về một chuỗi dữ liệu bất biến có thể đánh dấu thời gian của các văn bản số để chúng không thể bị sửa đổi hay giả mạo. Tuy nhiên, cách giải thích của Stornetta và Haber được coi là không hoàn chỉnh và giới chuyên gia cho rằng vẫn cần một bên thứ ba để đảm bảo.  

Có thể nói, các hoạt động giao dịch tiền tệ truyền thống phụ thuộc nhiều vào các bên liên quan. Cụ thể, khi hoạt động giao dịch hay cho vay diễn ra giữa hai người, họ sẽ thỏa thuận với nhau, và ghi lại các thông tin về cuộc giao dịch này vào một biên bản hay có thể là một cuốn sổ. Cuốn sổ này sau đó sẽ được đưa cho một người trung gian nắm giữ. Cách thức này tồn tại một số hạn chế như thông tin lưu trên cuốn sổ có thể bị hỏng theo thời gian do được viết trên giấy, thông tin trên cuốn sổ có thể bị thay đổi hay bị xóa bỏ, và việc tìm kiếm được một người trung gian uy tín là vô cùng khó khăn.

Dù sau đó, đã có ngân hàng đứng ra làm một bên trung gian uy tín phổ biến, thông tin giao dịch vẫn chịu chi phối bởi hệ thống máy tính của ngân hàng. Do đó, nếu bị kẻ xấu tấn công, dữ liệu vẫn có thể bị thay đổi hay bị đánh cắp. Hơn nữa, nếu hệ thống máy tính ngân hàng bị sập, việc mất dữ liệu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. 

Từ những hạn chế đó, công nghệ Blockchain đã được ra đời. Vào năm 2008, Satoshi Nakamoto đã được ghi nhận là người phát minh ra blockchain, tạo ra Bitcoin – đồng tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới. 

Các đặc điểm chính của Blockchain

  • Một mạng lưới ngang hàng: Người dùng trong hệ thống được phân phối quyền lực một cách công bằng và không bị kiểm soát. Không một tổ chức nào có thể đơn phương phá hủy hệ thống. Kể cả khi một tổ chức hay cá nhân bị loại bỏ thì hệ thống vẫn tồn tại.
  • Tính minh bạch: Trong một hệ thống blockchain, thông qua chuỗi mật mã để nhận diện danh tính và đảm bảo quyền riêng tư của người tham gia giao dịch, các hoạt động giao dịch có thể được thực hiện trực tiếp giữa hai node trong một mạng lưới, mà không cần đến một bên trung gian thứ ba. Đồng thời các thông tin giao dịch cũng được lưu lại và mọi người dùng đều có thể kiểm tra hay truy xuất lịch sử giao dịch.
  • Tính phi tập trung: Dữ liệu trên hệ thống blockchain hoàn toàn là phi tập trung, tức là thông tin được phân tán trên các node của mạng lưới, thay vì được kiểm soát bởi một máy chủ duy nhất. 
  • Không thể bị làm giả và không thể bị thay đổi: Do bản chất phi tập trung của hệ thống blockchain, các dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống không thể bị làm giả, và không thể bị thay đổi. Đồng thời, để bảo mật thông tin trong khối (block), hệ thống blockchain sử dụng các kỹ thuật mã hóa và hashing. Mỗi khối đều có một mã hash riêng và mã hash của khối trước nó. Nếu ai đó làm giả dữ liệu trên khối, mã hash cũng sẽ thay đổi, khi đó, các khối tiếp theo sẽ đều trở thành không phù hợp. Do đó, việc can thiệp vào dữ liệu trên blockchain là vô cùng khó và việc phát hiện sự can thiệp này là rất dễ dàng. 
  • Tính bảo mật: Hệ thống blockchain sử dụng cả khóa riêng tư (Private Key) và khóa công khai (Public Key). Việc sử dụng các cặp chìa khóa này cho phép người dùng nhận và gửi thanh toán. Trong đó, khóa riêng tư được sử dụng để tạo chữ ký số cho giao dịch, giúp xác thực quyền sở hữu đối với các coin đang được gửi. Còn khóa công khai được sử dụng để hiển thị địa chỉ, định danh của các node trên mạng lưới blockchain mà bất kỳ ai cũng có thể xem được.
  • Quyền sở hữu: Kết hợp với hạ tầng khóa công khai, blockchain có thể khẳng định quyền sở hữu của người dùng đối với tài sản, cũng như đảm bảo rằng mỗi giao dịch là bất biến và không thể hủy bỏ. Hay, nói cách khác, người dùng không thể thực hiện giao dịch với những tài sản không phải là của mình trên blockchain như tiền mã hóa, bất động sản, hay bất kỳ tài sản nào khác.

Chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết về cơ chế hoạt động và ứng dụng của công nghệ blockchain trong phần 2. 

Để lại bình luận
Gửi bình luận

Video Phổ Biến

Xem tất cả