Three Arrows Capital (gọi tắt là 3AC) là gì?
Three Arrows Capital (gọi tắt là 3AC) là một quỹ đầu cơ có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 2012 bởi hai nhà sáng lập có tên Su Zhu và Kyle Davies, chuyên đầu tư với mục tiêu đặt ra là thu về khoản lợi nhuận cao với ít rủi ro. Dù là một quỹ lớn, nhưng mô hình hoạt động của 3AC là không cố định. Họ sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư trực tiếp vào nhiều loại tài sản khác nhau. Đồng thời, 3AC cũng sử dụng nguồn tiền từ bên ngoài để đầu tư, và lợi nhuận sẽ chia đều cho các bên tham gia.
Vào khoảng năm 2013, 3AC bắt đầu tham gia thị trường tiền mã hóa. Từ việc tận dụng các cơ hội kiếm lời từ hoạt động Arbitrage (giao dịch chênh lệch giá), quỹ này cũng nhanh chóng hướng đến đầu tư từ sớm vào nhiều dự án tiền mã hóa mới nổi trên thị trường.
Dù 3AC tự giới thiệu bản thân là hướng đến mục tiêu đầu tư để thu về lợi nhuận cao với ít rủi ro, nhưng việc tham gia tích cực vào thị trường tiền mã hóa - một thị trường có tính biến động rất cao - đã đi ngược lại với mục tiêu này. Thậm chí trong một buổi livestream, ông Su Zhu cũng chia sẻ rằng 3AC có khẩu vị đầu tư rủi ro cao, chuyên đầu tư dài hạn vào các dự án tiền mã hóa với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”, và không bao giờ xả các token mà họ đã đầu tư trong các đợt private sale.
Danh mục đầu tư của Three Arrows Capital
Theo thông tin chi tiết trên trang chủ của Three Arrows Capital, quỹ này đã đầu tư vào rất nhiều dự án tiền mã hóa bao gồm các dự án blockchain layer 1, các dự án DeFi, các quỹ khác, các dự án trò chơi NFT và cổ phiếu của nhiều công ty.
Được biết, vào năm 2021, 3AC đã dẫn đầu vòng gọi vốn Series B trị giá 10 triệu USD, cũng như vòng private sale trị giá 230 triệu USD của nền tảng Avalanche. Ngoài ra, vào năm ngoái, quỹ này tiếp tục dẫn đầu vòng gọi vốn trị giá 150 triệu USD của hệ sinh thái NEAR.
Three Arrows Capital phá sản
Theo báo cáo của The Block vào 15/6, do biến động của thị trường, quỹ 3AC đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán sau khi bị thanh lý ít nhất 400 triệu USD bởi các nền tảng cho vay hàng đầu trên thị trường tiền mã hóa. Theo đó, 3AC đã phải cố gắng để trả lại tiền cho các nền tảng cho vay và các đối tác của mình sau sự kiện này.
Giữa cuộc khủng hoảng này, Su Zhu chỉ thông báo với cộng đồng rằng họ sẽ làm việc với các bên liên quan và cam kết sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, 3AC có vẻ như đã không thể trả được các khoản nợ trước đó và im lặng trước các cáo buộc từ nhà đầu tư. Trước đó, vào cuối tháng 6 vừa qua, tòa án ở British Virgin Island đã ra lệnh cho quỹ này thanh lý tài sản của mình. Vào ngày 2/7 mới đây, 3AC đệ đơn phá sản theo Chương 15 tại một tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ).
Đào sâu hơn vào chi tiết này, nộp đơn phá sản theo Chương 15 là một cách để các công ty nước ngoài có liên kết với các nhà đầu tư trong nước, có thể tìm cách bảo vệ tài sản và đưa ra các phương án tối ưu nhất để bảo vệ các khoản đầu tư và duy trì việc làm. Theo đó, việc 3AC - một công ty có trụ sở ở Singapore - nộp đơn phá sản theo hình thức này tại một tòa án tại Mỹ có thể là một động thái để bảo vệ tài sản của mình ở Mỹ sau khi bị ra lệnh thanh lý tài sản ở British Virgin Island. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức nào cho rằng đơn này đã được thông qua.
Vì sao Three Arrows Capital sụp đổ
Xu hướng giảm mạnh của thị trường tiền mã hóa
Xu hướng giảm của thị trường tiền mã hóa đã bắt đầu kể từ cuối năm ngoái đến nay. Theo đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường đã giảm từ khoảng 2,8 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 905 triệu USD tại thời điểm hiện tại. So với mức ATH là gần 69.000 USD, giá BTC đã giảm hơn 70% xuống chỉ còn 20.180 USD tại thời điểm viết bài. Ethereum (ETH) - đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường sau BTC - cũng không khá hơn khi thậm chí còn giảm tới gần 77% từ 4.857 USD xuống chỉ còn 1.145 USD tại thời điểm hiện tại.
Tại thời điểm tháng 4 năm nay, thị trường đã có một đợt phục hồi nhẹ, khi tổng giá trị vốn hóa đã tăng lên 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sang tháng 5, sự sụp đổ của hai đồng LUNA và UST - hai đồng tiền mã hóa thuộc Terraform Labs có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường - đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo trên thị trường tiền mã hóa. Được biết, ban đầu, stablecoin UST đã mất tỷ giá so với đồng USD, nhưng sau mọi nỗ lực không thành công từ Terraform Labs, cơ chế thuật toán giữa LUNA và UST sụp đổ. Chỉ trong 1 tuần sau đó, cả hai đồng tiền mã hóa này đã mất gần như 100% giá trị, làm thị trường tiền mã hóa thất thoát hơn 40 tỷ USD.
Ngoài ra, cũng vào tháng 5, Mỹ đã phải đưa ra những biện pháp thiết thực để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao.Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất thêm 50 điểm, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa nhằm chống lạm phát. Việc tăng tỷ lệ lãi suất mạnh mẽ thông thường là một dấu hiệu hàng đầu của một cuộc suy thoái kinh tế. Sau quyết định này, thị trường chứng khoán và thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư dần mất niềm tin vào các loại tài sản rủi ro. Dù đã tăng lãi suất thêm 50 điểm trước đó, vừa qua, theo thống kê về chỉ số CPI, tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ đã đạt 8,6% - mức cao nhất kể từ năm 1981 cho đến nay. Vào ngày 15/6, FED đã công bố tăng tỷ lệ lãi suất thêm 75 điểm với nỗ lực đẩy lùi lạm phát. Sau động thái của FED, nhiều chuyên gia về thị trường tài chính cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ sớm phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, khiến giá BTC tiếp tục lao dốc.
Dưới điều kiện thị trường “khắc nghiệt”, vào ngày 13/6, Celsius Network - một nền tảng cho vay tiền mã hóa có tiếng trên thị trường - đã trở thành nạn nhân đầu tiên, khi bất ngờ công bố tạm dừng các hoạt động rút, chuyển đổi và chuyển tiền giữa các tài khoản trên hệ thống vì gặp rủi ro về thanh khoản. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn hơn vì sợ mất tiền. Được biết, cho dù nền tảng này có mở lại các hoạt động trên hệ thống, các nhà đầu tư cũng sẽ không thể lấy lại hết được 100% số tiền đã gửi vào. Lo sợ nền tảng này sẽ bán tài sản của mình để đảm bảo tính thanh khoản, thị trường tiền mã hóa ngay sau đó đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn, khiến giá Bitcoin giảm xuống gần 22.000 USD.
Giữa bối cảnh giá Bitcoin giảm xuống quá sâu, việc quỹ 3AC bị thanh lý hơn 400 triệu USD bởi nhiều nền tảng cho vay hàng đầu thị trường đã làm dấy lên tin đồn rằng quỹ này gặp rủi ro thanh khoản. Nhưng dường như, điều này không còn là tin đồn nữa, không chỉ do xu hướng của thị trường, 3AC cũng bị thiệt hại quá nặng nề do đầu tư vào nhiều dự án thất bại.
Sự sụp đổ của LUNA và UST
Theo công bố của 3AC vào ngày 17/6, lý do lớn nhất khiến quỹ này phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản là do sự sụp đổ của hai đồng LUNA và UST vào tháng trước. Theo đó, 3AC là một trong những nhà đầu tư lớn dẫn đầu vòng gọi vốn 1 tỷ USD của Luna Foundation Guard (LFG) - tổ chức phi lợi nhuận sáng lập bởi Terraform Labs - vào đầu năm để xây dựng quỹ dự trữ nhằm đảm bảo giá trị của stablecoin UST cân bằng với đồng USD. Ngoài ra, theo báo cáo vào ngày 6/5, 3AC còn hỗ trợ tổ chức này mua một lượng Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD để kéo lại mức tỷ giá của UST. Theo thỏa thuận giữa quỹ này với tổ chức LFG, 3AC đã mua một lượng LUNA trị giá 200 triệu USD.
Theo ước tính, khoản tiền mà 3AC đã đầu tư vào LUNA và UST lên đến hơn 600 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tuần sau đó, giá LUNA và UST đã lao dốc không phanh, mất 100% giá trị, khiến quỹ này gần như mất trắng 600 triệu USD.
stETH mất tỷ giá so với ETH
Vào đầu tháng 12 năm ngoái, 3AC đã mua một lương ETH trị giá 660 triệu USD. Giống với nhiều quỹ khác, 3AC đã gửi ETH vào Lido Finance - một nền tảng staking - để nhận lãi và đồng stETH - token của giao thức Lido Finance được giao dịch với tỷ giá 1:1 so với ETH. Dựa vào tính thanh khoản của đồng này, 3AC đã sử dụng lượng stETH này để vay thế chấp thêm một lượng ETH từ nền tảng cho vay Aave, và tiếp tục gửi vào Lido Finance để tối ưu lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, do bị bán tháo nên đồng này đã không giữ được giá trị tương đương với ETH khiến quỹ 3AC gặp khủng hoảng thanh khoản.
Được biết, Alameda Research - một trong những quỹ tiền mã hóa đầu tư nhiều nhất vào đồng stETH thuộc nền tảng Finance - đã bán tháo hơn 50.000 stETH có giá trị tương đương khoảng 88 triệu USD, khiến đồng này không giữ được mức tỷ giá so với đồng ETH.
Do mất khả năng thanh toán vì bị thanh lý ít nhất là 400 triệu USD theo báo cáo của The Block vào hôm 15/6 , 3AC đã phải rút một lượng stETH và ETH có giá trị tổng cộng 480 triệu USD từ nền tảng Curve Finance và Aave (hai giao thức cho vay trên thị trường). Ngay sau đó, quỹ này đã chuyển gần 40.000 stETH (45 triệu USD tại thời điểm đó) sang ETH, khiến giá trị của stETH so với ETH ngày càng giảm xuống.
Quản trị rủi ro kém
Hiện tại, giá trị tài sản của 3AC hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Theo thông tin được biết vào ngày 18/6, quỹ này đang nắm giữ một lượng lớn mã cổ phiếu GBTC của Grayscale, một lượng các token stETH, USDT, LIDO và có thể là một lượng lớn token đang bị khóa.
Do thua lỗ hơn 600 triệu USD khi đầu tư vào LUNA và UST, quỹ này đã phải vay thêm để bù đắp khoản lỗ này. Tuy nhiên, giữa xu hướng giảm mạnh của toàn thị trường, với việc vay nhiều hơn và sử dụng mức đòn bẩy lớn, 3AC tiếp tục lâm vào rủi ro bị thanh lý các vị thế vay vì có thể quỹ này đã không còn quá nhiều tài sản để thế chấp nhằm giảm mức giá thanh lý xuống. Đây hoàn toàn là do quỹ 3AC có hệ thống quản trị rủi ro kém, vay quá nhiều mà không lường trước hậu quả có thể xảy đến. Từ đó, quỹ này đã không thể trả được nợ và phải đệ đơn phá sản theo Chương 15 tại một tòa án ở Hoa Kỳ để bảo vệ tài sản của mình tại đây sau khi bị thanh lý ở British Virgin Island.
Các động thái xử lý của Three Arrows Capital
Sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng này, chỉ có 2 cách duy nhất mà 3AC có thể thực hiện là bán tài sản hay nhờ cậy vào sự giúp đỡ hoặc mua lại từ các công ty khác. Tuy nhiên, phương án thứ hai có vẻ không khả quan bởi trong bối cảnh Bitcoin giảm xuống khoảng 20.000 USD, các tổ chức khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên việc “gánh nợ” cho 3AC càng trở nên bất khả thi hơn. Do đó, việc bán tài sản là điều đương nhiên.
Vào ngày 15/6, Starry Night Capital - quỹ NFT được thành lập bởi 3AC với đối tác là Vincent Van Dough (nhà sưu tập NFT nổi tiếng) - đã chuyển bộ sưu tập NFT trị giá khoảng 21 triệu USD từ sàn giao dịch NFT SuperRare về một ví mới. Theo đó, có tin đồn cho rằng quỹ NFT này đang lên kế hoạch bán các NFT trong bộ sưu tập của mình để bù lỗ cho 3AC trong thời điểm thị trường đi xuống.
Theo dữ liệu từ Dune Analytics, 3AC hiện chỉ sở hữu hơn 10 NFT CryptoPunks, 330 NFT ArtBlocksCurated, 2 NFT Mutant Ape Yacht Clubs, 1 NFT Bored Ape Yacht Club và nhiều NFT từ các bộ sưu tập khác nữa. Ước tính danh mục đầu tư NFT của 3AC có giá trị khoảng hơn 7,5 triệu USD. Trong đó, các NFT thuộc bộ sưu tập Crypto Punks có giá trị lên đến hơn 3 triệu USD. Khả năng cao là 3AC cũng đã phải bán đi một lượng NFT trước đó để bù lỗ.
Ngoài ra, dựa trên dữ liệu từ Etherscan, một địa chỉ ví của Three Arrows Capital trên nền tảng Ethereum hiện chỉ còn khoảng hơn 3,1 triệu token LIDO thuộc nền tảng Lido Finance tương ứng với gần 1,9 triệu USD.
Địa chỉ ví còn lại của quỹ 3AC nắm giữ khoảng gần hơn 30.500 USD, bao gồm gần 28.00 stablecoin USDT, gần 1,9 stETH, 10.000 PBR (PolkaBridge), 39 BAT và khoảng 8,5 USDC. Các token còn lại đã bị bán hết.
Thậm chí, 3AC còn chuyển 138 token SUSHI lên sàn Binance để bán với giá cao nhất chưa đến 200 USD - một mức giá có giá trị cực kỳ thấp nhưng 3AC cũng phải đem bán trên sàn.
Phản ứng của các bên liên quan
Ngay sau khi xuất hiện tin tức cho rằng quỹ 3AC đang vướng vào một cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nền tảng hàng đầu đã lên tiếng về sự liên quan của họ với quỹ này.
Avalanche
Dù trước đó, 3AC có dẫn đầu một đợt private sales trị giá 230 triệu của Avalanche - một hệ sinh thái blockchain phổ biến trên thị trường, nhưng Avalanche tuyên bố rằng quỹ 3AC không hề quản lý, sử dụng, hay lưu giữ bất kỳ quỹ tài chính nào của nền tảng này.
dYdX
Sàn giao dịch tiền mã hóa dYdX ngay sau đó cũng nhấn mạnh rằng họ không liên quan đến và cũng không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của 3AC.
DeFiance Capital
Ông Arthur Cheong - nhà sáng lập của quỹ tiền mã hóa DeFiance Capital - cho biết rằng quỹ này cũng bị ảnh hưởng từ vụ việc và sẽ đưa ra các phương án để giải quyết tình hình này. Được biết, 3AC cũng góp vốn vào nền tảng DeFiance.
Các sàn giao dịch khác
Ngoài ra, các sàn giao dịch tiền mã hóa như BitMex, Deribit và FTX đã chính thức xác nhận rằng họ đã thanh lý vị thế của quỹ 3AC chỉ vài ngày sau tin đồn khủng hoảng thanh khoản. Tuy nhiên, số tiền bị thanh lý có thể không đáng kể so với 400 triệu USD đã bị thanh lý trước đó.
Finblox
Finblox - một nền tảng staking được đầu tư bởi quỹ 3AC - ngay lập tức đã thực hiện quản trị rủi ro, tạm dừng việc phân phối phần thưởng, giới hạn mức rút tiền, và vô hiệu hóa việc tạo ra các địa chỉ mới. Tại thời điểm này, người dùng chỉ được rút tối đa 500 USD một ngày cho đến khi họ làm việc với 3AC và các đối tác khác để quản lý rủi ro.
Genesis Trading
ông Michael Moro - Giám đốc điều hành của Genesis Trading - cũng lên tiếng rằng đã thanh lý tài sản của một đối tác (được xác nhận là 3AC) do không đáp ứng được margin call (yêu cầu ký quỹ thế chấp để hạ mức thanh lý). Đồng thời công ty này cũng tuyên bố rằng họ đang quản lý rủi ro một cách thận trọng nhất.
BlockFi
Nền tảng cho vay BlockFi cũng cho rằng họ đã làm điều tương tự như Genesis Trading, rằng đã thanh lý tài sản thế chấp của 3AC. Đồng thời Zac Prince - Giám đốc điều hành của BlockFi - cũng nhấn mạnh rằng tài sản của người dùng không bị ảnh hưởng. Nhưng dường như sự thật không phải như vậy.
Sự sụp đổ của Three Arrows Capital ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường?
Sự sụp đổ của một quỹ lớn như 3AC, theo hiệu ứng domino, sẽ có thể gây liên lụy tới hàng loạt các công ty tiền mã hóa; điển hình là các dự án top hay các nền tảng cho vay.
Ảnh hưởng đến các dự án top
Quỹ 3AC được cho là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thị trường tiền mã hóa.
đã đầu tư mạnh tay vào nhiều dự án top trên thị trường, như Near, dYdX, Lido,. Cho đến hiện tại, vẫn chưa thể chắc chắn được giá trị tài sản của 3AC. Nếu họ nắm giữ một lượng token đang bị khóa, rất có thể, một khi các token này được unlock (mở khóa), họ có thể bán tháo ồ ạt ra thị trường để trả nợ. Do đó, có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả thị trường.
Ảnh hưởng đến các công ty cho vay
Đồng thời, 3AC cũng là một trong những công ty đi vay lớn nhất trong khoảng thời gian này. Và sự sụp đổ của quỹ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến một số bên cho vay điển hình như BlockFi, Aave, Voyager Digital, Celsius cùng nhiều bên khác chưa được tiết lộ.
Ngay cả khi cộng đồng nhận được tin vui từ thông báo trả được hết nợ cho nền tảng cho vay MakerDAO của Celsius, thì các báo cáo thu được từ BlockFi và Voyager Digital vẫn khiến cộng đồng phải chuẩn bị tinh thần cho các cây domino tiếp theo sau 3AC.
Dù BlockFi trước đó đã trấn an người dùng rằng họ vẫn an toàn trước sự sụp đổ của 3AC. Tuy nhiên, sau đó, BlockFi đã phải vay 250 triệu USD từ sàn giao dịch FTX. Và mới đây nhất, công ty này đã ký một biên bản thỏa thuận với sàn FTX US - chi nhánh của sàn FTX tại Hoa Kỳ - cho một khoản vay tín dụng lên đến 400 triệu USD và một lựa chọn để có thể mua lại BlockFi với giá 240 triệu USD dù được định giá lên tới 5 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo báo cáo của Voyager Digital vào ngày 1/7 vừa qua, giá trị cho vay của nền tảng này là hơn 1,1 tỷ USD bao gồm trong đó khoản vay 654 triệu USD của 3AC, nhưng giá trị của tài sản thế chấp lại chỉ có gần 170 triệu USD, cho thấy một con số chênh lệch quá đáng kể. Do không thể thu hồi được hết nợ cùng với áp lực rút tiền từ các nhà đầu tư, Voyager Digital đã phải tạm dừng mọi hoạt động giao dịch trên nền tảng vào ngày 1/7, và chỉ 5 ngày sau đó, họ đã đệ đơn phá sản theo Chương 11 tại một tòa án tại Hoa Kỳ để đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nền tảng. Tuy nhiên, có một khúc mắc rằng trước đó Alameda Research - công ty được thành lập bởi Sam Bankman-Fried (CEO của FTX) - đã cho công ty này vay 500 triệu USD, nhưng trong đơn phá sản của Voyager, Alameda Research lại đang nợ lên tới 377 triệu USD.
Trong một cuộc phỏng vấn của đài CNBC với ông Bankman-Fried vào hôm 1/7, ông nói rằng sẽ có thêm nhiều công ty sụp đổ, bao gồm cả sàn giao dịch tiền mã hóa. Ngay sau đó, sàn giao dịch tiền mã hóa Kucoin cũng vướng phải tin đồn gặp rủi ro thanh khoản. Ông Johny Liu - Giám đốc điều hành của sàn Kucoin - đã nhanh chóng bác bỏ tin đồn này, và cũng chưa có bằng chứng nào được đưa ra.
Lý do lớn nhất dẫn đến vấn đề này có thể là do các nền tảng cho vay tiền mã hóa không áp dụng chính sách cho vay thế chấp tài sản đối với 3AC do quỹ này là một quỹ lớn trên thị trường. Hiện tại, 3AC đã nộp đơn phá sản và mất khả năng để trả nợ, dẫn đến các nền tảng tiền mã hóa không thu hồi được nợ và phải vay thêm để bù lỗ. Đối mặt với áp lực rút tiền từ các nhà đầu tư trong thời điểm thị trường đang hoảng loạn, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều nền tảng đối mặt với rủi ro thanh khoản trong thời điểm này.
Tổng kết
Như vậy, sự sụp đổ của 3AC là một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu về tinh thần thận trọng khi tham gia thị trường đầy biến động và hỗn loạn thông tin này. Tại thời điểm như bây giờ, các nhà đầu tư không nên tin vào tuyên bố của bất kỳ ai, nên thực hiện rút tiền khỏi các nền tảng cho vay và đợi cho đến khi thị trường ổn định trở lại.
Nguồn: Skyverse tổng hợp và phân tích
Tham gia ngay cộng đồng của Skyverse để cập nhật thông tin nhanh chóng nhất về thị trường mỗi ngày!!
————
Bạn cũng có thể theo dõi Skyverse TV – Kênh thông tin chuyên biệt về Tiền số hoá và Công nghệ Blockchain tại:
Email: contact@skyverse.tv
Youtube: https://bit.ly/YTSkyverseTV
Facebook: https://bit.ly/FBSkyverseTV
Tik Tok: https://www.tiktok.com/@skyversetv